Mỹ Phẩm Bị Hỏng, Quá Hạn Sử Dụng: Nhận Biết Sớm Tránh Gây Hại Cho Da
Bạn thường nhận biết mỹ phẩm còn dùng được hay không thể tiếp tục dùng theo cách nào? Dựa vào mốc sử dụng do nhà sản xuất đề ra trên sản phẩm? Đúng nhưng chưa đủ, bởi cách bảo quản hay cách dùng cũng ảnh hưởng lớn đến thời hạn sử dụng mỹ phẩm.
Vô tình dùng phải mỹ phẩm hết hạn hay đã bị hỏng: các hóa chất trong sản phẩm đang bị phân hủy sẽ ảnh hưởng không tốt lên làn da (kích ứng mỹ phẩm, bỏng, nhiễm trùng…).
Vậy thời hạn sử dụng của các món mỹ phẩm là bao lâu? Làm sao để nhận biết mỹ phẩm còn dùng được hay không? Dưới đây là những lời khuyên mà Sieuthitrimun.com muốn gửi đến bạn.
Nhận Biết Mỹ Phẩm Bị Hỏng, Bị Hết Hạn
1. Mỹ phẩm có mùi lạ
Một trong những dấu hiệu hàng đầu nhận biết mỹ phẩm không còn dùng được là ngửi. Trước khi sử dụng, nếu ngửi và nhận thấy có mùi bất thường, hôi, khó chịu thì có thể sản phẩm đã hỏng hoặc hết hạn.
2. Màu sắc thay đổi
Ngoài mùi sản phẩm thì màu sắc cũng là yếu tố để nhận biết mỹ phẩm còn sử dụng được không. Sau khi mở nắp, mỹ phẩm tiếp xúc với không khí sẽ sinh ra hiện tượng oxy hóa. Phản ứng này làm thay đổi màu sắc vốn có của mỹ phẩm. Sự thay đổi màu sắc ít ỏi không hẳn tác động đến công dụng sản phẩm, tuy nhiên nếu là thay đổi quá lớn so với ban đầu thì tốt nhất bạn nên bỏ đi sản phẩm đó.
3. Thay đổi kết cấu
Kiểm tra kết cấu mỹ phẩm so với thời gian đầu mở nắp cũng là cách nhận biết sản phẩm hỏng, hết hạn.
Chẳng hạn:
- Mỹ phẩm dạng lỏng, không chỉ định “lắc đều trước khi sử dụng” bỗng bị đặc lại, vón cục hoặc tách dầu.
- Chất sản phẩm xuất hiện các đốm mờ hay đốm đen (do nhiễm nấm hoặc vi khuẩn).
- Chất kem bị tách rời, không còn liên kết với nhau.
- Kem dưỡng, sữa dưỡng có thể bị tách lớp, váng dầu nổi lên trên hoặc nước lắng xuống dưới.
4. Thời gian sử dụng sau mở nắp
Một số loại mỹ phẩm không ghi thời hạn sử dụng cụ thể trên bao bì, thay vào đó sẽ tính hạn sử dụng bằng thời gian sau khi mở nắp sản phẩm. Các mỹ phẩm áp dụng cách tính hạn sử dụng này sẽ biểu thị bằng chữ M kèm theo số tháng sử dụng sau mở nắp.
Ví dụ: 3M là 3 tháng, 6M là 6 tháng, 12M là 1 năm.
Những con số này nói lên khung thời gian mỹ phẩm hoạt động hiệu quả nhất sau khi được mở ra và tiếp xúc với không khí. Sau khung thời gian này, chất lượng sản phẩm sẽ giảm và tốt nhất không nên sử dụng nếu mỹ phẩm vượt quá lâu so với ngưỡng nhà sản xuất đặt ra.
5. Hạn sử dụng trung bình của một số loại mỹ phẩm
Đối với mỹ phẩm chăm sóc da
- Sữa rửa mặt, xà phòng, sữa tắm: 1 năm.
- Toner, serum, kem dưỡng: 6 – 12 tháng.
- Kem chống nắng: khoảng 2 năm.
- Tẩy trang: 6 tháng.
- Tẩy tế bào chết: 1 năm.
Đối với mỹ phẩm trang điểm
- Kem nền: 6 – 12 tháng.
- Son môi: 2 năm.
- Kẻ mắt: 2 tháng (dạng gel), 3 – 4 tháng (dạng lỏng), 1 năm (dạng chì).
- Mascara: 3 – 6 tháng.
- Che khuyết điểm: dạng lỏng 6 – 12 tháng, dạng bột và stick 2 năm.
- Phấn phủ bột: 2 năm.
- Phấn má: dạng kem 12 – 18 tháng, dạng phấn 2 năm.
- Phấn mắt: 6 tháng – 2 năm.
Kinh Nghiệm Kéo Dài Tuổi Thọ Mỹ Phẩm
- Trước khi tiếp xúc với mỹ phẩm, nên rửa tay bằng xà phòng và lau khô với khăn sạch để tránh vi khuẩn xâm nhập vào sản phẩm cũng như ảnh hưởng đến da.
- Lưu trữ mỹ phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát. Với mỹ phẩm dễ bị oxy hóa (chẳng hạn chứa thành phần vitamin C) thì nên bảo quản tủ lạnh, tránh ánh sáng.
- Đậy, vặn chặt, cố định nắp mỹ phẩm kỹ càng sau mỗi lần sử dụng.
- Làm sạch nắp mỹ phẩm, dụng cụ đi kèm mỹ phẩm (thìa lấy kem dưỡng, cọ trang điểm…) để tránh vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào sản phẩm.
- Không nên mua mỹ phẩm thiết kế khó lấy sản phẩm, khó bảo quản hoặc là dung tích quá lớn so với nhu cầu.
Sử dụng mỹ phẩm hướng đến cái đẹp cho làn da. Tuy nhiên nếu không hiểu rõ hạn mức sử dụng của mỹ phẩm, đây lại là rào cản ảnh hưởng đến công sức chăm sóc da của mỗi người. Do đó hãy dành thời gian để tìm hiểu, trang bị các kiến thức mỹ phẩm cơ bản để làm đẹp thông thái và hiệu quả.
Hy vọng những thông tin được Sieuthitrimun.com chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho hành trình chăm sóc da của bạn.